Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

Posted by nguyen | File under :

Bộ GTVT vừa báo cáo Chính phủ đề nghị tiếp tục có cơ chế hỗ trợ để người dân thay thế xe công nông, xe tự chế bằng các phương tiện khác an toàn hơn.



Nhiều nhà sản xuất đang muốn gia nhập thị trường phương tiện thay thế xe công nông, tự chế

Còn hơn 9.000 xe công nông, xe tự chế
Tại văn bản báo cáo Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, thời gian qua, việc quản lý chặt chẽ hoạt động của các loại xe tự chế, không bảo đảm an toàn kỹ thuật đã góp phần hạn chế tai nạn, giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, đến nay, hiện tượng sử dụng xe bị đình chỉ tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ vẫn tiếp tục diễn ra, đặc biệt tại các huyện: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Chương Mỹ (Hà Nội), các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Hòa Bình, Hậu Giang, Long An, Đắk Lắk....
Thống kê cho thấy, từ năm 2008 đến 2010, cả nước mới chỉ thực hiện hỗ trợ thay thế được cho 6.017 xe/15.777 xe công nông, xe tự chế. Điều này cũng có nghĩa vẫn còn tới hơn 9.700 phương tiện này tồn tại, chưa kể số lượng xe phát sinh trong thời gian từ năm 2008 đến nay.
Khắc phục tình trạng trên, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, sản xuất đưa ra thị trường loại phương tiện thay thế đáp ứng yêu cầu ATGT nhưng phải phù hợp với thực tiễn đời sống của nhân dân, điều kiện hạ tầng của từng vùng, miền để người dân có thể lựa chọn thay thế dứt điểm các xe bị đình chỉ tham gia giao thông.
Cùng đó, cần quy định phù hợp việc học, thi và cấp giấy phép điều khiển phương tiện với các đối tượng sử dụng phương tiện thay thế xe bị đình chỉ tham gia giao thông; Quy định rõ ràng, hợp lý phạm vi không gian và thời gian hoạt động... Việc tịch thu, tiêu hủy những phương tiện thuộc diện bị cấm cũng phải được thực hiện nghiêm túc. “Tuyệt đối không tổ chức thanh lý để tránh xảy ra hiện tượng phương tiện bị tịch thu chỗ này lại quay vòng hoạt động chỗ khác” - Bộ GTVT đề xuất. Xe thí điểm cũng cần đăng kiểm
Theo Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT), từ năm 2009 đến nay, Chính phủ đã cho phép thí điểm lắp ráp xe 4 bánh. Trên thực tế, loại xe này tiết kiệm nhiên liệu, dễ bảo dưỡng, sửa chữa và khá thuận tiện trong việc phục vụ vận tải tại các vùng nông thôn, nơi có đường nhỏ hẹp, ô tô không đi được. Đặc biệt, loại phương tiện này có giá thành đầu tư thấp (khoảng 60 - 70 triệu) nên phù hợp với điều kiện của bà con nông dân.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, một số chủ phương tiện đã tự ý cải tạo, thay đổi kích thước thùng xe, hệ thống truyền động và lốp xe nhằm tăng khả năng chuyên chở hàng hóa dẫn đến tốc độ lưu thông trên đường rất chậm gây ùn tắc và mất ATGT. Trong khi đó, do chưa có quy định loại xe này phải kiểm định lưu hành và cấp sổ kiểm định nên cơ quan chức năng không có cơ sở để xử lý hành vi tự ý cải tạo phương tiện đối với chủ xe vi phạm.
Liên quan đến việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cho người sử dụng phương tiện thay thế xe công nông, ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết: Đến nay, chưa xác định và xếp loại xe bốn bánh tự hành là xe mô tô hay ô tô nên cũng chưa thể xác định sẽ cấp GPLX như thế nào. Về nguyên tắc, đã là xe bốn bánh thì đào tạo, sát hạch phải từ hạng B trở lên. Tuy nhiên, xe tự hành bốn bánh lại được thiết kế trên cơ sở hệ thống máy móc, tải trọng là xe ba bánh. Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nếu cấp GPLX theo diện xe ô tô thì sẽ tốn kém trong khi người sử dụng phương tiện này chủ yếu là nông dân, người có thu nhập thấp nên cấp GPLX hạng A3, A4 thì hợp lý hơn.
Bộ GTVT đề xuất, nếu được Chính phủ cho phép, trước 1/4/2014, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện các quy định về kiểm tra an toàn kỹ thuật và môi trường để thực hiện thủ tục kiểm định đối với xe mô tô ba bánh chở hàng, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ. Các quy định cụ thể về việc đào tạo, sát hạch cấp GPLX đối với xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ cũng như phạm vi tham gia giao thông của các phương tiện này cũng sẽ được rà soát bổ sung trước 1/4/2014.
Tiến Mạnh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét